Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa cũng ghi nhận có sự tăng nhẹ, đạt 435,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%) và luân chuyển 84,4 tỷ tấn, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%).
Ông Bùi Trọng Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) - cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình, dẫn đến nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, nhà hàng, lưu trú. Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đã giảm 9,6%, ước tính đạt 126 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%), ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ đồng.
Vận tải hành khách cũng chịu tác động trực tiếp từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách, giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%). Ngoài ra, số lượng khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm cũng giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 3,7 triệu lượt người. Trong đó, giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Trước những tác động do dịch Covid-19 gây ra, theo ông Bùi Trọng Tú, giải pháp trước mắt trong thời gian đang có dịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần chủ động, tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh qua thương mại điện tử, tránh tụ tập đến các cơ sở ăn uống, thay đó có thể đặt hàng, để ứng phó với dịch bệnh.
“Khi dịch bệnh qua đi, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho DN chẳng hạn, hỗ trợ vay vốn, giảm thuế trong 1 thời gian để các DN phục hồi sức lực về kinh tế”- ông Bùi Trọng Tú nhấn mạnh.
Theo Tạp Chí Tài Chính